Cách phác thảo ý tưởng thiết kế website

Trong bất kỳ lĩnh vực sáng tạo nào, khởi đầu cũng chính là giai đoạn khó khăn và cần nhiều thời gian nhất. Thiết kế web cũng không nằm ngoài phạm vi này.


Thường thì nếu danh thiếp của khách hàng đã cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về công ty, chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào đó để làm ý tưởng thiết kế website. Tuy nhiên nếu bạn nhận được một tấm danh thiếp tối giản như trong hình dưới đây thì quả thực, việc bắt đầu tìm kiếm ý tưởng sẽ cực kỳ khó khăn.

Lúc này chúng ta cần một kế hoạch, bao gồm cả việc tìm hiểu kỹ hơn về khách hàng, yêu cầu của họ... thì lúc đó ý tưởng mới dần thành hình, sau đó tiến tới một bố cục, một bản phác thảo rõ nét hơn rồi mới có thể thiết kế thành công.


Hãy tự tin rằng bất kỳ ai cũng có thể tạo ra được một bản thiết kế web đảm bảo 2 yếu tố: tốt và đẹp, chỉ cần bạn có chút kinh nghiệm và những kiến thức căn bản về những nguyên tắc bố cục. Bằng cách bắt đầu từ những điều căn bản, chắc chắn sau đó chúng ta sẽ có được một nền tảng tốt và cần thiết để tạo nên được những website chất lượng.


Quy trình phác thảo bản thiết kế


Nếu như trong các lĩnh vực sáng tạo khác, chẳng hạn như thiết kế xây dựng hoặc nghệ thuật tạc tượng, mọi thứ trở nên đơn giản hơn khi người thiết kế chỉ cần làm theo những thông số, yêu cầu mà khách hàng đã đưa ra, hoặc thậm chí chỉ cần nhận “đơn đặt hàng” và tự mình sáng tạo theo những kinh nghiệm, cảm hứng của bản thân... thì việc thiết kế web không đơn giản như vậy, ngược lại, có phần phức tạp hơn khá nhiều khi sản phẩm sau cùng mà bạn tạo ra không những phải vừa ý khách hàng, mà còn phải thực sự khác biệt, quan trọng hơn, thật sự mang lại cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất. Phức tạp là vậy, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể rút gọn quy trình sáng tạo ấy trong 3 nhiệm vụ chính là: Tìm hiểu, Khám phá và Triển khai.


Tìm hiểu


Trong bước này, chúng ta sẽ gặp gỡ khách hàng, trao đổi kỹ càng để hiểu rõ được công việc, lĩnh vực của họ. Điều này sẽ giúp bạn có được nền tảng cơ sở cho sự ra đời của một bản thiết kế phù hợp, hiệu quả.


Kinh nghiệm cho thấy, trước khi gặp gỡ khách hàng, bạn nên dành thời gian để nghiên cứu về công việc của họ, Google sẽ giúp bạn điều này. Nếu có thể, hãy chọn gặp trực tiếp ở cuộc hẹn đầu tiên, việc trao đối trực tiếp luôn có lợi thế hơn so với liên hệ qua mail, điện thoại hoặc các công cụ chat online khác.

 

 



Ngay lần gặp đầu tiên, bạn không nhất thiết phải gây ấn tượng với khách hàng và quá quan tâm tới việc làm sao để ký được hợp đồng. Thay vào đó, hãy nói chuyện để hiểu điều họ thực sự muốn và cần làm ngay lúc này để tốt hơn cho công việc của họ là gì? Hãy lắng nghe nhiều hơn là nói, cũng đừng quên ghi chú lại những điều quan trọng mà khách hàng đã chia sẻ.


Cũng trong lần gặp này, nếu bạn mang theo laptop hoặc tablet để cho khách hàng xem bản mẫu thì cũng nên hạn chế thời gian sử dụng nó, bởi nếu khách hàng bị thu hút bởi màn hình và luôn có sẵn những câu hỏi kèm theo thì bạn khó mà thực hiện được việc ghi chép lại những lưu ý quan trọng trong lúc trò chuyện. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng “công nghệ”, hãy ghi âm lại cuộc trò chuyện bằng các chương trình hỗ trợ như iTalk của iPhone hoặc Voice Recorder của Android (tất nhiên là nên hỏi ý kiến và nói rõ cho khách hàng về mục đích tốt đẹp và cần thiết của việc ghi âm, đó là phép lịch sự tối thiểu để bạn tạo ấn tượng tốt hơn với họ). Tuy nhiên, việc ghi âm đôi khi sẽ khiến một số khách hàng cảm thấy mất tự nhiên, bị sao lãng, do đó nếu được thì tốt hơn hết vẫn nên ghi chép bằng bút và giấy.


Mẹo: Các cuộc hẹn không nhất thiết phải diễn ra tại văn phòng làm việc, nếu khách hàng đồng ý thì không gian tại một quán cafe có view đẹp, yên tĩnh hoặc lúc ăn trưa sẽ hiệu quả hơn nhiều. Lưu ý là nếu cảm thấy khách hàng có vẻ hơi nghiêm túc thì không nên đưa ra gợi ý này.


Dưới đây là một vài câu hỏi mà bạn có thể tham khảo sử dụng trong buổi gặp đầu tiên với khách hàng:


1. Công ty của ông làm gì?
2. Vai trò của ông trong công ty là gì?
3. Công ty của ông có logo hay tên thương hiệu không? Mục tiêu mà ông nhắm tới khi phát triển một website là gì?
4. Những thông tin nào ông muốn sẽ được đưa lên web?
5. Đối tượng khách hàng của bạn là gì? Nhóm đối tượng đó có đặc điểm chung nào không, chẳng hạn như độ tuổi, giới tính hoặc nơi ở?
6. Đối thủ cạnh tranh của công ty ông là ai? Họ đã có website chưa?
7. Ông có mẫu những website mà ông thích hoặc không thích không?
8. Dự án này ông muốn chạy trong thời gian như thế nào và ông có thể đầu tư bao nhiêu vào dự án này?


Giả sử yêu cầu của khách hàng là muốn tái thiết kế cho một website đã có sẵn thì dưới đây là những câu nên hỏi:


1. Khách hàng thường tìm kiếm gì khi truy cập vào website của ông?
2. Website hiện tại đang gặp phải vấn đề gì?
3. Mong muốn của ông khi thiết kế lại website?
4. Khi thiết kế lại website, có tính năng hay đặc điểm nào trên bản cũ mà ông muốn giữ lại hay không?
5. Ông nghĩ rằng khách hàng sẽ phản ứng như thế nào khi tiếp xúc với website mới?


Tùy vào từng trường hợp và bối cảnh mà bạn có thể hỏi thêm những câu hỏi cần thiết khác, sao cho các câu hỏi thêm giúp bạn hiểu rõ hơn về công ty cũng như lĩnh vực hoạt động của khách hàng.


Khi đặt câu hỏi, đừng sử dụng những từ ngữ chuyên ngành lập trình, khách hàng sẽ không hiểu. Khi họ không hiểu thì sẽ rất dễ này sinh cảm giác khó chịu và khó gần. Hãy diễn giải mọi thứ sao cho đơn giản và dễ hiểu nhất.


Khám phá


Trong giai đoạn này, chúng ta sẽ sử dụng những thông tin thu thập được trước đó để phân tích và lên ý tưởng. Điều kiện cần ở đây là bạn phải thấu hiểu tường tận về tất cả các thông tin, sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng của mình đang kinh doanh, để từ đó tìm cách sắp xếp các thông tin này một cách khoa học nhất.


Hãy đặt mình trong vị trí là một khách hàng truy cập để hiểu được những mong muốn của họ khi tiếp cận với website. Chẳng hạn, nếu truy cập với mục đích là để mua hàng online thì bạn sẽ cần biết những thông tin gì về món hàng đó trước khi mua? hoặc nếu mục đích là để sử dụng dịch vụ thì làm thế nào để thấy được ưu điểm của dịch vụ mà bạn đang tiếp cận so với dịch vụ của các nhà cung cấp khác?


Nói theo chuyên môn thiết kế web thì đây chính là những bước đầu tiên trong quá trình Cấu trúc thông tin (IA). Đây thậm chí là một chuyên ngành riêng biệt đối với những website đắt tiền hoặc các ứng dụng web phức tạp, có tác dụng cung cấp cho bạn một nền tảng vững chắc trong việc thiết kế web, kể cả là đối với những website nhỏ nhất. Đối với giai đoạn này, chúng ta nên tập trung vào cách sắp xếp nội dung, dòng chảy của web thành một mô hình mà chúng ta có thể thiết kế dựa trên đó.


Trong giai đoạn khám phá, nhất thiết nên có một tờ giấy trắng lớn hoặc một tấm bảng trắng, thật nhiều giấy ghi chú để lên danh sách tất cả những phần, mục mà bạn muốn tạo cho website rồi phân chia chúng thành những nhóm chính và nhóm phụ. Bạn hoàn toàn có thể di chuyển các nhóm này sang các vị trí khác nhau trên website cho tới khi xác định được vị trí thích hợp (chính vì vậy nên những miếng giấy ghi chú nhỏ là rất hữu dụng, đặt chúng trên tường và tưởng tượng nó là một website và sắp xếp, di chuyển chúng cho tới khi nào bạn cảm thấy rằng các phần, mục này đã được thể hiện một cách rõ ràng, đơn giản và dễ dàng truy cập nhất, không hề gây “ngộp” cho người dùng.

 



Triển khai

 

Đến giai đoạn này, chúng ta đã có trong tay ý tưởng về cách tổ chức, sắp xếp thông tin, và sẽ bắt đầu với việc tạo ra bố cục.


Cố gắng đừng nghĩ tới dự án, không để các yếu tố về kỹ thuật thiết kế web làm ảnh hưởng đến bạn. Nghĩa là lúc này, không quan trọng là web của bạn có bao gồm HTML hay không, một mẫu cho hệ thống quản lí nội dung hoặc một ứng dụng ASP.NET hay không? điều quan trọng chính là hãy nhập tâm vào việc sáng tạo, thiết kế trên một tờ giấy trắng, là tờ giấy trắng nhé, nhất thiết không phải là máy tính, bởi nếu sử dụng máy tính thì bạn rất dễ bị mất tập trung khi cứ mải suy nghĩ về bố cục trên màn hình máy tính. Tác dụng của việc sử dụng giấy trắng chính là giúp loại bỏ những giới hạn về kĩ thuật của browsers và CSS, tập trung thời gian suy nghĩ xem bạn muốn sản phẩm cuối cùng trông như thế nào?


Hãy bắt đầu bằng việc phác thảo ra một vài bố cục, sau đó chọn kiểu ưng ý nhất và đưa nó vào photoshop, sử dụng công cụ Rectangle để khoanh lại vùng đã đánh dấu trên tờ giấy. Sau khi đã có được bố cục, hãy thử màu nền trước, cho tới khi đạt được một bản phối hài hòa, rồi tiếp tục với việc thay đổi các các pixels cho tới khi có được bản bố cục mẫu ưng ý nhất để giao cho khác hàng.

 

ĐT


Bài khác