Quy trình thi công ốp gạch chuẩn nhất

Sử dụng gạch ốp tường để vừa gia tăng tính thẩm mỹ cho không gian, vừa nâng cao tuổi thọ cho công trình, và đặc biệt là thuận tiện trong việc vệ sinh, lau chùi đã và đang là sự lựa chọn của rất nhiều gia đình. Nhưng liệu bạn có biết cách ốp gạch sao cho đúng? Quy trình ốp gạch gồm những công đoạn nào? Nếu chưa thì đừng bỏ qua những thông tin bổ ích mà chúng tôi chia sẻ bên dưới để mang đến những bức tường hoàn hảo.


1. Chuẩn bị vật tư và dụng cụ


- Gạch ốp tường: Thị trường hiện nay cung cấp nhiều loại gạch ốp tường với mẫu mã, màu sắc, họa tiết và kích thước đa dạng. Nếu bạn phân vân không biết nên chọn loại gạch ốp tường nào thì đừng quên nêu ra ý tưởng, sở thích, mục đích và nhu cầu sử dụng để đơn vị phân phối có thể tư vấn cụ thể và đưa ra sự lựa chọn phù hợp.


- Hồ vữa xi măng hoặc keo dán gạch, tùy thuộc vào phương pháp thi công.


- Bay, bay răng cưa, thước, thước dây, dây căn, thùng nước ngâm gạch, máy cắt gạch, xô chứa vữa, giẻ lau,…


- Tùy phương pháp thi công mà chuẩn bị hồ vữa xi măng hoặc keo dán gạch.


- Bề mặt tường cần ốp.

 

 


2. Canh chỉnh lề tường ốp gạch


Tiến hành lấy cữ cho mép dưới của gạch bằng cách sử dụng thanh gỗ thẳng và đặt ngang phần chân tường (cách vị trí sàn bằng khoảng chiều cao của viên gạch). Từ vị trí này, sẽ tính toán chiều cao của từng hàng gạch và dùng bút chì để đánh dấu các hàng gạch này.


Tiếp tục, dùng thước và dây dọi để căn đường dọc và đường ngang cho bề mặt tường. Nếu những việc này được thực hiện kỹ lưỡng và tỉ mỉ thì bạn sẽ vừa tính toán được số lượng gạch ốp cần sử dụng, vừa giúp canh chỉnh lề tường cân đối và chính xác.


3. Trét vữa hoặc keo dán gạch lên tường


Hiện nay, có 2 phương pháp thi công ốp gạch là dùng hồ vữa xi măng (phương pháp truyền thống) và keo dán gạch (phương pháp hiện đại). Nếu là phương pháp thứ nhất, bạn sẽ dùng bay để trát hồ vữa xi măng lên tường, mỗi lần trát khoảng ½ m2 tường. Còn nếu là phương pháp thứ hai thì bạn dùng bay răng cưa chuyên dụng để trát keo dán gạch lên cả tường lẫn mặt sau của viên gạch để tạo độ bám dính cao nhất.

 


4. Ốp gạch lên tường cẩn thận


Những viên gạch sẽ được ốp lần lượt lên tường. Lưu ý: Canh chỉnh hoa văn, họa tiết sao cho ăn khớp, bất cứ sự sai lệch nào giữa các hoa văn, họa tiết của những viên gạch cũng sẽ khiến bức tường trở thành “thảm họa”. Bên cạnh đó, có thể dùng ke ốp gạch (ke mạch) để canh chỉnh khoảng cách giữa 2 viên gạch sao cho kín khít nhất, trong khoảng 1 - 1.5mm. Nếu lớn hơn con số này, bạn phải mất nhiều thời gian thi công chà ron mà bức tường vẫn không được đẹp như ý.


5. Lau chùi, hoàn thiện bề mặt tường ốp


Hồ vữa xi măng, keo dán gạch hay bụi bẩn trên bề mặt tường sau khi ốp cần được làm sạch bằng giẻ lau hoặc miếng xốp mềm. Tuyệt đối không dùng hóa chất hay dùng dao lam để cạy bỏ những vết bẩn này vì chúng có thể làm hỏng bề mặt viên gạch, khiến bức tường bị mất thẩm mỹ ngay khi chưa đi vào sử dụng.


Với những chia sẻ trên, hy vọng bạn đọc sẽ có cách thi công ốp gạch chuẩn nhất, góp phần mang đến một công trình đẹp và bền vững.

Lê Trinh