Ưu nhược điểm của gạch không nung
Ngày đăng: 20/11/2018, 06:38
Gạch không nung đang dần dà thay thế gạch nung truyền thống và trở thành loại vật liệu được khuyến khích sử dụng. Vậy ưu điểm của gạch không nung là gì? Gạch không nung có nhược điểm không? Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua những nội dung bên dưới.
1. Ưu điểm của gạch không nung
Thành phần nguyên liệu để sản xuất gạch không nung không những đa dạng mà còn rẻ tiền, chẳng hạn như mạt đá, cát vàng, xi măng, phế thải công nghiệp,… vì thế, không gây tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên (đất nông nghiệp). Bên cạnh đó, vì gạch không được nung ở nhiệt độ cao như gạch nung truyền thống nên vừa tiết kiệm được nhiên liệu, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, quá trình sản xuất gạch không nung được tư động hóa nên vừa giải phóng sức lao động con người, vừa hạn chế những tai nạn có thể xảy ra cho người lao động.
Ưu điểm của gạch không nung khi ứng dụng cho tòa nhà, cao ốc
- Gạch không nung có cường độ chịu lực cao (300 – 400 kg/cm2) nên rất lý tưởng để sử dụng cho những công trình yêu cầu khả năng chịu lực. Với những công trình không yêu cầu khả năng này thì vẫn có thể ứng dụng gạch không nung để giảm lượng xi măng phối liệu, nhờ đó, tiết kiệm chi phí xây dựng.
- Gạch không nung có khả năng cách âm, cách nhiệt và chống cháy vượt trội nên rất phù hợp với những công trình hiện đại, vừa tạo không gian riêng tư, vừa hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra.
- Gạch không nung có kích thước lớn, gấp 2 - 11 lần gạch nung nên tiến độ thi công nhanh chóng, vừa tiết kiệm được chi phí nhân công, vừa giảm thiểu chi phí xây dựng. Đặc biệt, lượng vữa sử dụng để thi công gạch không nung ít hơn gạch nung đến 2,5 lần.
Ưu điểm của gạch không nung khi ứng dụng cho lát đường, vỉa hè,…
- Gạch không nung đa dạng chủng loại, màu sắc và kích thước, lại có độ đồng đều cao nên đảm bảo tính thẩm mỹ tối đa.
- Thi công đơn giản, nhanh chóng, có thể sử dụng ngay sau khi vừa thi công.
- Cường độ chịu lực cao, lý tưởng để sử dụng cho những khu vực có nhiều người hay phương tiện đi lại.
- Dễ dàng tháo dỡ, sửa chữa và thay mới.
- Thấm hút nước tốt, không gây trơn trượt.
2. Nhược điểm gạch không nung
Tuy không sử dụng nguyên liệu đất nông nghiệp (đất sét) nhưng gạch không nung lại sử dụng cát và đá để làm thành phần nguyên liệu nên nhu cầu khai thác cát, đá tăng cao, khiến lượng cát, đá trong tự nhiên bị suy giảm nghiêm trọng. Cùng với đó, những phế thải công nghiệp như bột sắt, bột nhôm,… cũng được cho là có sự ảnh hưởng nhất định đến môi trường.
So với những ưu điểm thì những nhược điểm này được cho là “chấp nhận được”. Vì thế, gạch không nung vẫn là loại vật liệu xây dựng được các chuyên gia xây dựng khuyến khích dùng để vừa bảo vệ môi trường, vừa gia tăng chất lượng công trình.
Lê Trinh
Bài khác
- Cách chọn gạch lát sàn đẹp và phù hợp với từng căn phòng
- Những mẫu gạch ốp bếp đẹp
- Lưu ý khi chọn gạch cho bể bơi
- Những ý tưởng dùng gạch ốp lát tường cho phòng tắm siêu đẹp
- Tiêu chuẩn và ứng dụng của gạch block tự chèn
- 5 loại gạch lát vỉa hè rất được ưa chuộng hiện nay
- Mẹo phân biệt gạch Granite với gạch Ceramic
- Quy trình thi công ốp gạch chuẩn nhất
- Bảng giá các loại gạch block
- 3 lưu ý khi chọn mua máy sản xuất gạch không nung