Cách xử lý hiện tượng nước đục cho hồ cá Koi
Ngày đăng: 04/04/2019, 06:16
Hiện nay, hồ cá Koi vừa là thú vui tao nhã và sang chảnh, vừa là yếu tố góp phần cải thiện phong thủy cho không gian sống. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà sau một thời gian, nước trong hồ cá Koi không còn trong, sạch mà bị đục và bẩn. Vậy nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì? Làm sao để khắc phục hiệu quả?
1. Nguyên nhân khiến nước hồ cá Koi bị đục
- Hồ cá Koi không có hệ thống lọc: Để tiết kiệm chi phí thiết kế, thi công, nhiều người không lắp đặt hệ thống lọc cho hồ cá Koi. Hoặc không được tư vấn lắp đặt nên sau khi hoàn thiện, hồ cá Koi không có hệ thống lọc dẫn đến chất bẩn, chất thải của cá, lượng thức ăn dư thừa,… không được xử lý, gây nên tình trạng nước đục.
- Hồ cá Koi có hệ thống lọc nhưng không đạt chuẩn: Không phải đơn vị thiết kế thi công nào cũng lắp đặt hệ thống lọc đạt chuẩn cho hồ cá Koi. Một số hệ thống lọc không đầy đủ các bộ phận (hút đáy, hút mặt, ống xả tràn, ống thông vách ngăn, ống xả của ngăn lắng,…) nên hoạt động không hiệu quả, không xử lý tốt rác thải, lâu dài khiến nước trong hồ cá Koi bị đục.
2. Một vài hiện tượng bất thường khác trong hồ cá Koi
Cá Koi chậm lớn, mất màu và mất dáng
Cá Koi tăng trưởng chậm, bị mất màu và mất dáng không phải là hiện tượng hiếm gặp. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó, 2 nguyên nhân dưới đây là phổ biến nhất.
- Thức ăn không đúng chủng loại: Thức ăn dành cho cá Koi có 2 loại, loại tăng trưởng kích thước và loại tăng trưởng màu sắc. Việc lựa chọn thức ăn không đúng chủng loại, đặc biệt là thức ăn giả, kém chất lượng được cho là nguyên nhân hàng đầu khiến cá Koi chậm lớn, mất màu và mất dáng.
- Môi trường nước không đạt chuẩn: Nước có nhiệt độ và độ pH không đạt chuẩn, dòng chảy trong nước không đủ lớn,… khiến cá khó thích nghi và không thể vận động (bơi lội), từ đó, sinh ra hiện tượng mất dáng, dáng không đẹp.
Cá Koi bị nhiễm bệnh và chết
Trong một số trường hợp, cá Koi có thể bị bệnh và chết. Điều này thường xảy ra với những hồ cá Koi ngoài trời, diện tích lớn, thường xuyên hứng bụi bẩn trong không khí, cộng với chất thải của cá không được xử lý sinh ra nhiều tảo. Tảo được cho là nguyên nhân chính khiến cá Koi bị bệnh và chết hàng loạt.
3. Giải pháp khắc phục hiện tượng nước đục, cá Koi bệnh và chết
Bất cứ sự cố nào xảy ra với hồ cá Koi đều xuất phát từ hệ thống lọc. Vì thế, ngay từ đầu, bạn phải tìm hiểu và đầu tư vào hệ thống lọc để có thể giữ cho hồ cá Koi luôn trong, sạch và an toàn. Một hệ thống lọc đạt chuẩn cho hồ cá Koi là khi sở hữu cấu tạo sau:
- Hệ thống đường ống:
+ Ống hút đáy: Gom phân và cặn bẩn từ hồ về bể lọc
+ Ống hút mặt: Gom váng và tạp chất trên bề mặt
+ Ống xả cặn: Xả chất bẩn trong bể lắng
+ Ống thổi luồng: Đẩy nước sạch vừa lọc trong hồ và tạo dòng chảy
+ Ống thoát tràn: Loại bỏ nước thừa trong hồ khi trời mưa.
- Hệ thống lọc: Gồm 4 - 5 khoang (tuỳ diện tích làm lọc)
+ Chu trình lắng
+ Chu trình khử tảo
+ Chu trình cấy vi sinh
+ Chu trình đẩy nước sạch về hồ Koi.
Tùy thuộc vào độ sâu của hồ, lượng nước, chất lượng nước, kinh phí đầu tư,… mà bạn chọn hệ thống lọc phù hợp cho hồ cá Koi. Một hệ thống lọc đạt chuẩn sẽ có nhiệm vụ lọc sạch thức ăn dư thừa, rác thải, phân cá; loại bỏ tảo, rêu và các vi sinh vật có hại; đồng thời, tạo dòng chảy vừa đủ để kích thích cá bơi lội và tăng trưởng nhanh; đặc biệt là cải thiện môi trường nước, giúp tiết kiệm thời gian và công sức thay nước cho hồ cá Koi mà vẫn đảm bảo nước luôn trong xanh, sạch sẽ.
Lê Trinh