Kiến trúc nhà Rông Tây Nguyên

Nói đến nét đặc sắc trong kiến trúc của người Tây Nguyên thì chúng ra không thể nào không nhắc đến nhà Rông. Từ lâu nó đã trở nên quen thuộc và gắn liền với đời sống của người dân tộc thiểu số trên vùng Tây Nguyên. Điều khiến mọi người cảm thấy tò mò đó là hai mái nhà cao chót vót, thay vì được liên kết bằng các xà đục lỗ xuyên qua cột và cũng không cần phải thắt mộng hay đinh mà vẫn đảm bảo giữ được sự chắc chắn qua năm tháng. Để khám phá nét độc đáo của kiến trúc ngôi nhà này, cùng theo dõi bài viết sau đây của chúng tôi.


1. Quy trình xây dựng nhà Rông Tây Nguyên


So với nhà rông của các dân tộc thiểu số dải Trường Sơn thì nhà Rông Tây Nguyên cũng không có quá nhiều điểm khác biệt. Phần nóc nhà có sự hiện diện của 2 mái nơi chỏm đầu dốc với một đôi sừng. Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy điểm riêng biệt của nó đó là chạy dọc trên sóng nóc nhà có một dải trang trí khá độc đáo.


Đối với sàn nhà, mọi người sẽ sử dụng bằng cây giang hoặc tre lồ ô nứa để liên kết tạo thành tấm đan. Chính giữa nhà có hàng lan can chạy dọc, công dụng của nó là để làm chỗ dựa cho những ché rượu cần mỗi khi làng có tổ chức lễ hội. Trên vách được trang trí bằng hoa văn với hai màu đỏ và xanh. Thông thường người Băhnar sẽ sử dụng cặp sừng trâu cây cột ở gian chính giữa với hình ảnh chạm khắc đầy tinh tế là sao tám cánh hình thoi chim người…


Quả thực, công trình kiến trúc này chính là một nghệ thuật mà cả cộng đồng dân làng tạo nên. Mỗi khi lập một làng mới tức sự kiện rất trọng đại, và người già nhất trong làng từng trải, hiền minh, gắn bó với dân làng và nhiều kinh nghiệm về núi rừng sẽ đi tìm vị trí đẹp nhất cho làng.


Trong một vài sổ sách ghi chép thì việc xây dựng nhà rông cần phải tuân thủ theo đúng nghi thức trang trọng. Bắt đầu từ công đoạn làm nhà, người gia làng sẽ tụ tập lại trai tráng, những ai giỏi nhất trong làng để hội bàn. Họ bỏ thời gian hàng tuần thậm chí hàng tháng để tìm nơi xây dựng nhà Rông. Đảm bảo vị trí xây dựng nhà rộng phải cao ráo, thoáng mát, mùa nắng thì ấm áp, còn mùa mưa phải nằm ở vị trí trung tâm để mọi người dù có đi từ xa cũng nhìn thấy được mái nhà Rông. Về diện tích, khu đất ấy cũng phải đủ độ rộng rãi, thoải mái để có thể tập trung được đầy đủ các dân làng.


2. Đặc điểm của nhà Rông Tây Nguyên


Trung bình, nhà Rông sẽ dài khoảng 10m, chiều rộng hơn 4m và chiều cao từ 15 đến 16m, và cũng có những ngôi nhà chỉ cao từ 7 đến 8m. Tính đa dạng trong kiến trúc của mỗi dân tộc ở Tây Nguyên còn ở phần kết cấu của ngôi nhà. Nhà rông hoàn toàn không sử dụng đến sắt thép, những vị trí nối chắp đều được thợ chặt đẽo cẩn thận rồi sau đó dùng mây lạt tre để buộc.


Tùy theo mỗi dân tộc mà các mối nối cũng sẽ có sự khác nhau. Còn đối với cầu thang thường sẽ được đẽo từ 7 đến 9 bậc, trên đầu của cầu thang mỗi dân tộc cũng sẽ có sự khác nhau. Đối với người Ba Na sẽ là hình ngọn cây rau dớn, người Ja rai là hình quả bầu để đựng nước, người Xe Đăng và Jẻ Triêng là hình núm chiêng hay mũi thuyền. Thậm chí, có một số nhà Rông với hình dáng bầu ngực của người thiếu nữ ở trên nút đầu của cầu thang. Vào ngày khánh thành nhà Rông, con trai làng chưa vợ đều phải đến đây ngủ để bảo vệ.


Do vậy, kiến trúc dân gian của nhà Rông tương đối độc đáo, mỗi dân tộc đều có những đặc điểm khác nhau. Tất cả điều đó đều được xây dựng từ đôi bàn tay tài hoa, điệu nghệ, nó bao gồm cả trí tuệ và sức lực của cả một cộng đồng. Nhà Rông gắn chặt với tâm lý, tình cảm, tập tục sinh hoạt, tôn giáo của người đồng bào Tây Nguyên. Nhà Rông là trái tim của người buôn làng mà đời đời không thể nào xóa khỏi tâm trí và trái tim của họ.


Thùy Duyên