Nét đặc sắc của kiến trúc nhà Rông Tây Nguyên

Nhắc đến lịch sử cư trú lâu đời của các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên, không thể không nhắc đến một công trình kiến trúc đặc biệt - nhà Rông - vốn được coi là di sản văn hóa. Vậy nhà Rông được xây dựng làm sao, đảm nhận vai trò gì, có những nét đặc sắc nào? Hãy cùng chúng tôi khám phá nét đẹp của kiến trúc nhà Rông Tây Nguyên qua những nội dung bên dưới.


1. Chức năng văn hóa của nhà Rông


Nhà Rông được coi là ngôi nhà chung của bản làng, đảm nhận nhiều chức năng. Trong tín ngưỡng tôn giáo, nhà Rông không đóng vai trò như chùa chiền, nhà thờ, thánh đường hay thánh thất, nhưng được coi là “chỗ ở” của các vị thần bản mệnh, vị thần chung của bản làng. Những vị thần này không hẳn có hình tượng cụ thể, đôi khi chỉ là viên đá được đặt trong túi vải, tuy nhiên, vô cùng thiêng liêng.


Bên cạnh đó, nhà Rông còn là nơi diễn ra những hoạt động cộng đồng của bản làng. Về chức năng này, nhà Rông của dân tộc thiểu số Tây Nguyên được coi như ngôi Đình của người Kinh, tại đó, diễn ra các lễ hội tâm linh, lễ cúng thường kỳ và không thường kỳ với mục đích cầu mùa màng tươi tốt, dân an vật thịnh. Có thể kể đến những lễ cúng nổi bật như cúng mừng lúa mới, cúng lập làng mới, cúng lên nhà Rông,…

 


Đồng thời, nhà Rông cũng là nơi để các nghệ nhân già truyền đạt những giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ, hay đôi khi chỉ là kể cho nhau nghe những câu chuyện của núi rừng. Tại nhà Rông, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hiện vật gắn liền với người dân tộc thiểu số như cồng, chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật,…


Tóm lại, nhà Rông là linh hồn của bản làng, là biểu tượng đặc sắc của Tây Nguyên, vừa tiềm ẩn yếu tố tâm linh, vừa biểu hiện văn hóa núi rừng, có vai trò kết nối các thành viên trong cộng đồng. Nhà Rông càng đẹp và kiên cố thì đời sống của dân làng càng đủ đầy, no ấm.


2. Nét đặc sắc của kiến trúc nhà Rông


Có thể nói, nét đặc sắc nhất của kiến trúc nhà Rông chính là bất cứ ai nhìn vào, cũng biết đó là... nhà Rông. Bởi thiết kế kiến trúc nhà Rông vô cùng đặc biệt với phần mái ấn tượng, không chỉ to lớn mà còn mang dáng dấp của lưỡi búa hướng thẳng lên trời, thay cho lời “thách thức” thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Phần khung mái được làm từ những cây dài có tên pơ-jo (rùi), phần mái được lợp bằng lá tranh theo từng lớp, dày 3cm, cố định chắc chắn vào những hàng cây mè trên khung mái. Đỉnh mái được đan nẹp có hoa văn, vừa tạo sự bền chắc, vừa mang đến vẻ đẹp ấn tượng.


Để có thể chống đỡ phần mái khổng lồ như vậy, khung nhà Rông được làm bằng gỗ quý với 8 cột lớn. Những cột này được liên kết với nhau theo hình thức cột vì kèo. Những vì kèo này thu hút người nhìn bởi các hoa văn được chạm khắc tinh xảo và mang màu sắc rực rỡ, thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, sự tích huyền thoại của dũng sĩ xưa hay đơn giản là khắc họa cảnh sinh hoạt và cuộc sống của buôn làng.


Còn sàn nhà Rông được ghép từ những lồ ô, nứa hoặc ván gỗ. Tất cả phên vách của nhà Rông cũng được đan bằng tre nứa, lồ ô, tạo thành dải hoa văn bắt mắt. Để lên nhà Rông, chúng ta phải đi bằng bậc thang gỗ (có 7 - 9 bậc). Trước cửa chính là hiên nhà để ngồi nghỉ chân. Bên phải đầu hồi cửa chính là một cửa phụ. Hai đầu sàn nhà đặt hai bếp lửa vừa có tác dụng sưởi ấm, vừa cung cấp ánh sáng cho những buổi lễ hội.


Có thể thấy, nhà Rông được tạo nên từ trí tuệ, sức lực và đôi tay tài hoa của cộng đồng. Tất cả các nguyên liệu để xây nhà Rông đều từ thiên nhiên, thể hiện ước muốn chinh phục thiên nhiên và tận dụng mọi yếu tố của thiên nhiên để phục tùng con người.

Lê Trinh