Nét đẹp di sản kiến trúc nhà Rông Tây Nguyên

Nhà Rông Tây Nguyên được ví như “trái tim” của cộng đồng bào dân tộc, tùy vào từng tộc người sẽ có cách xây dựng nhà Rông khác nhau thể hiện phong tục của bản làng họ. Nhà Rông là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của dân tộc, vì vậy dân làng coi nhà Rông rất trang trọng, thiêng liêng và còn là biểu tượng của quyền lực vì đây là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung.

Ngoài ra, nhà Rông còn đề cao sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lận nhau của cộng đồng dân tộc thiểu số. Cho đến ngày nay, đồng bào dân tộc họ vẫn luôn giữ gìn và phát triển nhà Rông cũng là để giữ gìn di sản văn hóa của người Việt chúng ta.

Sự độc đáo trong kiến trúc nhà Rông Tây Nguyên
Kiến trúc nhà Rông Tây nguyên thì nguyên liệu chủ yếu được lấy từ núi rừng thiên nhiên. Theo đó, sàn nhà Rông thường được ghép bằng những tấm đan bằng tre lồ ô nứa hoặc cây giang, giữa nhà có một hàng lan can chạy dọc, đây cũng là vị trí để những chén rượu cần khi làng tổ chức lễ hội.Về phần mái nhà Rông thường được kết bằng cỏ tranh, để đảm bảo chắc chắn dân làng thường chọn thời điểm lá vào kỳ bánh tẻ, tức khoảng tháng 9-10 thì cắt về rồi phơi khô vàng óng, chẻ hom đan thành tấm cất giữ cẩn thận cho đến khi lợp. Mái nhà Rông cao vút, nổi bật giữa không gian làng. Nhiều người còn ví mái nhà rông giống như cánh buồm no gió, nhưng cũng giống như hình lưỡi rìu, lưỡi búa vậy.

Phần chân đế nhà rông gồm có 10-14 cột để nâng đỡ toàn bộ sàn và mái nhà, trong đó có 8 cột chính, 2-6 cột phụ. Về chiều cao của nhà rông sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: kiến trúc của mỗi dân tộc, thể hiện sự quyền uy, sức mạnh của cộng đồng làng, tỷ lệ so với chiều rộng,…từ đó thiết kế chiều cao nhà rông sao cho hài hòa, cân xứng. Thông thường, tính từ mặt đất đến nóc nhà rông thường dao động từ 8-20m, cũng có khi lên đến 25m. Trong đó, cột là những cây gỗ to, loại tốt như trắc, hương,…những loại gỗ này không bị mối mọt, mục, chịu được ẩm ướt dưới nền đất.

Kiến trúc nhà rông là tổng hợp các loại hình nghệ thuật từ điêu khắc, hội họa, trang trí,…dựa trên những chất liệu chủ đạo là gỗ, tranh, tre, nứa,…đã được người dân trong làng tạo dựng nên, tất cả đã góp phần tạo nên nét độc đáo của tộc người vùng Tây Nguyên. Việc xây dựng nhà rông tưởng chừng đơn giản nhưng để xây dựng được thì đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm. Nó thường do một số già làng nắm giữa, trao truyền lại trong dòng tộc.


Nhà Rông – biểu tượng văn hóa cộng đồng của dân tộc Tây Nguyên
Nhà rông Tây Nguyên được xem là trụ sở của buôn làng, nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, nhà khách,…Đồng thời, nơi đây còn lưu trữ các hiện vật truyền thống như: cồng, chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ. Đặc biệt, nhà rông còn là nơi để những đứa trẻ quây quần quanh bếp lửa để nghe những người già kể chuyện hàng đêm,…

Ngoài ra, nhà Rông là nơi để hội họp của các già làng, phân xử các vụ kiện tụng, tranh chấp liên quan đến cộng đồng. Không chỉ vậy, nhà Rông còn để các thanh niên nam nữ gặp gỡ, tỏ tình và kết duyên vợ chồng.


Có thể nói, nhà Rông chính là linh hồn của làng, nơi hội tụ khí thiêng của đất trời, sông núi, nơi giữ các giá trị thiêng liêng của buôn làng. Bởi nhà Rông là nơi bao quát mọi tinh hoa sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, vừa hùng vĩ lại vừa tiềm ẩn những yếu tố tâm linh, là sự gắn kết giữa cộng đồng và thiên nhiên.

Đối với tộc người Tây Nguyên thì Dân tộc – Làng – Nhà Rông có mối quan hệ không thể tách rời. Và đó cũng chính là nét đẹp văn hóa của tộc người Tây Nguyên gìn giữ bao đời nay, và nhà Rông đã trở thành nét đẹp di sản kiến trúc Việt Nam được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Lê Hằng