Bí quyết chăm sóc lan Hồ Điệp trong chậu
Ngày đăng: 25/02/2019, 12:22
Để sở hữu những chậu lan Hồ Điệp đẹp và tươi lâu (từ 8 - 10 tuần, thậm chí là 12 tuần), bạn cần nắm vững kỹ thuật và bí quyết chăm sóc. Vậy những kỹ thuật và bí quyết đó là gì?
1. Các điều kiện chăm sóc lan Hồ Điệp trong chậu
Tưới nước
Lan Hồ Điệp là loài lan khá “khó tính” nên bạn cần lưu ý 2 vấn đề quan trọng khi tưới nước chính là lượng nước tưới và thời điểm tưới. Về lượng nước tưới, lan Hồ Điệp chỉ cần tưới vừa đủ ẩm là được, khoảng 5 - 7 ngày/lần vào mùa hè và 10 - 12 ngày/lần vào mùa đông. Nếu trồng lan Hồ Điệp với các giá thể như đá trân châu, vỏ cây dương xỉ, than củi thì không cần tưới quá nhiều vì những loại giá thể này giữ ẩm tốt. Về thời điểm tưới, nên tưới vào buổi sáng, không tưới vào buổi chiều vì lượng nước trong chậu không được thoát hơi hết, khiến chậu ẩm và làm thối rễ.
Độ ẩm
Độ ẩm lý tưởng nhất cho lan Hồ Điệp là từ 50 - 80%. Độ ẩm thấp hay cao hơn đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và ra hoa của lan Hồ Điệp. Trường hợp đổ ẩm thấp, có thể khắc phục bằng cách tưới thêm nước hoặc cho đá sỏi vào chậu và dùng màn che để giảm sự thoát hơi nước, giúp duy trì độ ẩm cần thiết. Trường hợp độ ẩm cao, có thể di chuyển chậu trồng đến vị trí khác.
Ánh sáng
Ở mỗi giai đoạn khác nhau, lan Hồ Điệp yêu cầu ánh sáng khác nhau. Cụ thể, lúc mới trồng, cây còn non yếu nên cần ánh sáng ít, có thể làm lưới che 2 lớp để ngăn chặn ánh sáng mạnh có thể làm héo lá, giảm sức sống và hạn chế sự ra hoa. Đến khi cây trưởng thành thì bỏ bớt 1 lớp lưới để cung cấp ánh sáng đầy đủ cho cây quang hợp, phát triển. Song song lúc này, thường xuyên lau sạch bụi trên lá để gia tăng khả năng tiếp nhận ánh sáng.
Đặc biệt, lan Hồ Điệp không chịu được ánh sáng chiếu trực tiếp nên nếu trồng ngoài trời, bạn cần có biện pháp che chắn, còn không, tốt nhất là trưng trong nhà, ở nơi thoáng mát. Vị trí thích hợp để đặt chậu lan Hồ Điệp là ban công, cửa sổ, hành lang, nơi không có ánh nắng mặt trời gay gắt và nhiệt độ luôn ở mức lý tưởng, từ 20 - 30 độ C.
Dinh dưỡng
Dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng và ra hoa của lan Hồ Điệp. Thời điểm mùa hè, khi cây đang tăng trưởng, nên tưới phân NPK 14 - 14 - 14 hòa tan trong nước từ 2 - 3 tuần/lần. Đến khi cây ra hoa thì thay thế bằng phân NPK 10 - 30 - 20. Việc tưới phân sẽ được tiến hành sau khi tưới nước để đảm bảo cây có thể hấp thụ hết dưỡng chất trong phân bón.
2. Ý nghĩa lan Hồ Điệp
Không chỉ được yêu thích nhờ vẻ đẹp sang trọng, thanh cao, đa dạng màu sắc và thời gian nở hoa lâu mà lan Hồ Điệp còn được lòng mọi người nhờ ý nghĩa và giá trị tinh thần mà nó mang lại. Theo đó, dáng hoa hài hòa, cân xứng tượng trưng cho sự hoàn hảo và sung túc. Cùng với thời điểm nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên lan Hồ Điệp luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các gia đình nhằm mang đến một năm mới thịnh vượng và phú quý.
Bên cạnh đó, thời gian nở hoa lâu giúp lan Hồ Điệp thể hiện được sự trường tồn và bền vững của mình. Vì thế, trong các dịp khai trương, tân gia hay mừng thăng chức, mừng sinh nhật, mừng thọ,... lan Hồ Điệp là món quà hoàn hảo để chuyển tải đầy đủ thông điệp của người gửi đến người nhận.
Lê Trinh
Bài khác
- Các chăm sóc lan hồ điệp đúng kỹ thuật
- Cập nhật giá lan hồ điệp
- Cách kích lan hồ điệp ra hoa đúng dịp
- Kỹ thuật trồng lan hồ điệp
- Điều kiện trồng và chăm sóc lan Cattleya
- Chăm sóc lan Cattleya ghép gốc
- Cách trồng lan hồ điệp đúng kỹ thuật
- Kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan hồ điệp
- Kinh nghiệm trồng lan cattleya
- Mô hình kinh doanh lan rừng hấp dẫn