Các giống lan hồ điệp

Các giống lan hồ điệp hiện nay trên thị trường dù có chung nguồn gốc nhưng đều có những đặc điểm riêng để nhận biết. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại cây này, hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây.


1. Nguồn gốc của lan hồ điệp


Lan hồ điệp được khám phá vào những năm 1750, mãi đến năm 1825 được một nhà thực vật học người Hà Lan đặt tên chính thức là Phalaenopsis amabilis BI và được dùng cho đến ngày nay.


Những giống hồ điệp thuần sống ở độ cao 200 – 400m, vì vậy chịu được khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ trung bình từ 20 đến 30 độ C.


Giống Phalaenopsis có khoảng 70 loài, trong đó có hơn 40 chủng loại, thường mọc ở dãy Hymalaya đến Châu Á và những nước có nhiệt độ nóng ẩm như Malaysia, Indonessia, Philippine, Ấn Độ, Việt Nam…


Tại nước ta, Lan hồ điệp có khoảng 5- 6 giống nguyên chủng, còn lại hầu hết đều là thành quả của quá trình lai tạo giống của người trồng. Lan hồ điệp khi nở cho hoa có kích thước lớn, màu sắc độc đáo, hương thơm quyến rũ và lâu tàn.

 


2. Các giống lan hồ điệp hiện nay


- Lan hồ điệp mini


Còn được gọi là tiểu hồ điệp, là một dạng hồ điệp công nghiệp, dáng cây nhỏ, hoa nhỏ, cánh bầu, nhiều mặt hoa, trên cánh hoa có nhiều vân họa tiết. Đặc điểm để nhận biết được giống hồ điệp này là ở đầu lá bầu chứ không nhọn như cây thông thường, cần hoa ngắn và kích thước hoa nhỏ. Loại lan này thường được dùng làm quà tặng hay trưng bày trên bàn làm việc.

 

 

 


- Lan hồ điệp đại


Thông thường người ta chỉ gọi chung là lan hồ điệp, cho giống hoa đại. Loại lan này có kích thước hoa lớn, nhiều màu sắc song lại không có được hương thơm đặc trưng như những giống hồ điệp rừng. Hồ điệp đại thường được trưng bày vào dịp lễ, tết, trang trí đại sảnh, nhà hàng, tiệc cưới.

 

 

 


- Lan hồ điệp rừng


Hồ điệp rừng được xem là giống lan thuần chủng, thường mọc hoang trong các khu rừng ở Việt Nam. Lá lan rừng nhỏ hơn lá những loại chúng ta thường thấy, khá dài và mỏng, chỉ số ít mới có loại lá to và dày. Cần hoa khá dài, hoa lan hồ điệp rừng nhỏ, có nhiều màu sắc và khá bền, từ 2 đến 3 tháng mới tàn.

 

 

 


3. Chăm sóc lan hồ điệp đúng cách


- Lan hồ điệp thích hợp với giá thể là than củi. Bạn có thể tự đốt củi làm than để tránh mua phải than có lẫn hóa chất, ẩm mốc ngoài hàng chợ. Thường xuyên xả mặn trong than để lan sinh trưởng và phát triển tốt hơn.


- Cũng như lan Cattleya, lan hồ điệp ưa sáng nhưng không chịu được ánh nắng trực tiếp từ mặt trời chiếu vào, đặc biệt là ở những thời điểm nắng gắt. Nếu chỉ trồng vài chậu trong nhà, bạn có thể để lan bên bậc cửa sổ, bàn trà hay ban công, bố trí thêm rèm che. Nếu trồng số lượng lớn nên làm thêm lưới che để bảo vệ cây tốt nhất.

 


- Tưới lan cố định vào một thời điểm trong ngày để cây thích nghi tốt, hợp lý nhất là vào buổi sáng trước 9 giờ và chiều sau 16 giờ. Không để lan khô, mất nước vì sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và cho hoa của hồ điệp.


- Thời điểm hồ điệp cho hoa có thể bón thêm phân có hàm lượng lân cao hơn một chút, tránh tưới nước vào đài và hoa vì có thể gây úng cánh, mau tàn. Sau khi hoa tàn, nhanh chóng cắt bỏ cuống để cây không mất sức.


- Lan hồ điệp là đối tượng tấn công của nhiều côn trùng như sâu đục nụ, nhện, rệp đỏ, ốc sên… Khi phát hiện chúng, bạn nên dùng xà phòng pha loãng để làm sạch lá, đồng thời dùng thuốc điều trị theo tỉ lệ khuyên dùng trên bao bì.

 


Trên đây là cách để nhận dạng các giống lan hồ điệp và kinh nghiệm giống hoa được nhiều người yêu thích này. Chúc bạn thực hiện thành công.


Kiều Châu