Điều kiện trồng và chăm sóc lan Cattleya

Cũng giống các loài hoa lan khác, lan Cattleya yêu cầu những điều kiện trồng và chăm sóc riêng để có thể phát triển tốt và cho hoa đẹp. Vậy những điều kiện đó là gì?


1. Cấu tạo giá thể


Có 2 phương pháp trồng lan Cattleya là trồng trên thân cây và trồng trong chậu. Nếu trồng trên thân cây, cây yêu cầu giá thể là vỏ cây. Còn nếu trồng trong chậu, cây yêu cầu giá thể là than, xơ dừa,… miễn sao đảm bảo thông thoáng dưới đáy để tránh hiện tượng ngập úng, thối rễ.


2. Ánh sáng


Hầu hết các giống lan Cattleya đều yêu cầu ánh sáng chất lượng tốt vào buổi sáng và “kỵ” ánh sáng trực tiếp vào buổi trưa (từ 11 đến 3 giờ chiều). Nếu trồng ở giàn treo, đảm bảo độ che sáng 50%, cường độ ánh sáng khoảng 12.000 - 20.000 1m/m. Nếu trồng ở sân thượng, độ che thích hợp là 40 - 60% và khoảng cách giữa các chậu từ 15 - 20cm để cây vừa nhận đủ sáng, vừa tạo sự thông thoáng.

 


Ánh sáng nhiều hay ít đều không tốt cho lan Cattleya. Nếu thiếu sáng, lá cây sẽ chuyển sang màu xanh đậm, cây chậm ra hoa và hoa có màu nhạt. Nếu thừa sáng, lá cây có màu vàng, thân cây lùn thấp, ra hoa nhỏ và hoa bị khuyết tật. Vì thế, cần đảm bảo ánh sáng ở mức độ hợp lý cho lan Cattleya.


3. Nhiệt độ


Trong điều kiện tự nhiên, lan Cattleya chịu được nhiệt độ 27 - 32 độ C mùa hè và 10 - 13 độ C mùa đông, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm không quá 10 độ C. Trong điều kiện trồng, có thể điều chỉnh nhiệt độ ở mức 24 - 29,5 độ C ban ngày và 15,5 - 18,5 độ C ban đêm.

 


4. Tưới nước


Với cấu tạo giả hành mập nên lan Cattleya có khả năng dự trữ nước tốt, vì thế, không cần phải tưới nước thường xuyên cho cây để tránh hiện tượng thừa nước, dẫn đến thối rễ và cây còi cọc. Tùy vùng miền mà tuần suất tưới sẽ khác nhau. Ở TP.HCM, mùa mưa (từ tháng 5 - 11), tưới mỗi ngày 1 lần vào 10 giờ sáng. Mùa khô (từ tháng 11 - 3), tưới 2 lần/ngày vào 9 giờ sáng và 3 giờ chiều. Đến mùa cây nghỉ (tháng 3 - 4), giảm xuống còn 1 lần/ngày. Còn ở Đà Lạt, chỉ cần tưới 1 tuần 1 lần là đủ vì nơi đây có độ ẩm cao và sương mù dày đặc.


Riêng đối với các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Bắc, tùy điều kiện khí hậu từng vùng cụ thể mà có cách tưới nước phù hợp. Chỉ cần đảm bảo giá thể trong chậu khô đi giữa 2 tưới và chậu cây thoát nước tốt, trong vòng 30 giây, khi giả hành đã hút no nước thì nước trong chậu phải được chảy đi hết.

 


5. Bón phân


Đặc trưng của lan Cattleya là không nở hoa theo mùa mà nở hoa khi các bộ phận sinh dưỡng của cây đủ khả năng phát triển thành một giả hành mới. Vì thế, việc bón phân cho cây ngoài mục đích đích duy trì sự sinh trưởng và phát triển còn có tác dụng điều khiển sự ra hoa theo ý muốn. Loại phân và cách bón tùy thuộc vào những mục đích này. Cụ thể:


Lúc cây nhỏ, sử dụng phân NPK 30-10-10 nồng độ 1 muỗng cà phê pha trong 4 lít nước và tưới 2 lần/tuần. Đến khi cây lớn và mọc chồi non, thay đổi bằng phân NPK 6-30-30, khi giả hành chớm nụ, sử dụng phân 10-20-20 đều với nồng độ và số lần tưới tương tự như khi cây còn nhỏ. Riêng thời điểm cây bước vào mùa nghỉ, ngưng tưới phân hoàn toàn.


Về cách tưới, không nên tưới thẳng vào giá thể trong chậu mà hãy tưới phun sương bằng hệ thống béc phun tự động hoặc bằng bình xịt thuốc sát trùng để đảm bảo tất cả các bộ phận của cây đều nhận được dinh dưỡng.

 


6. Mùa nghỉ


Mỗi năm, lan Cattleya sẽ có khoảng thời gian 1 tháng để nghỉ. Trong khoảng thời gian này, chỉ cần đảm bảo nhiệt độ 10 độ C ở vùng lạnh, 25 độ C ở vùng nóng, tăng độ che sáng 10% là được, không cần phải tưới nước hay bón phân vì cây không yêu cầu dinh dưỡng. Mùa nghỉ của lan Cattleya rơi vào tháng 4 đối với các tỉnh phía Nam, tháng 8 ở các tỉnh miền Trung và tháng 1 ở các tỉnh phía Bắc.


7. Phòng trừ sâu bệnh


Một số loài sâu bệnh thường gặp trên lan Cattleya:


- Rệp son: Thường bám vào lá, giả hành, căn hành và mắt ngủ để hút nhựa. Chúng sinh sản nhanh, nếu không xử lý kịp thời có thể gây nguy hại cho vườn lan. Khi phát hiện các vật thể hình tròn, màu nâu trên cây, hãy dùng đầu que đẩy nhẹ lớp vỏ, con rệp bên trong sẽ bị chết nhanh chóng.

 


- Gián cánh và bọ trĩ: Hay xuất hiện ở các giá thể xơ dừa, vỏ cây, dớn vụn,... để cắn phá rễ cây. Có thể phòng ngừa và trị chúng bằng cách phun thuốc sát trùng Bassa nồng độ 1/100 định kỳ 2 tháng/lần.


- Ốc sên: Xuất hiện trong những chậu trồng ẩm ướt, chúng vừa gặm rễ non, vừa tiết chất làm thối chồi non. Ban đêm, có thể nhử chúng ra bằng cách đặt rau xà lách hoặc mồi có trộn Metandehit, khi chúng bò ra để ăn mồi thì tiến hành bắt và diệt.


- Bệnh thối đọt, thối lá: Do thừa sáng, khiến các bộ phận của cây chuyển qua màu nâu sẫm. Khi phát hiện, cắt bỏ phần bị bệnh rồi dùng Vadơlin + Benlate bôi lên vết cắt. Để phòng ngừa, có thể phun thuốc ngừa nấm như Zineb, Top sil, Benomyl định kỳ 1 tuần/lần.


Nếu đáp ứng và tuân thủ các điều kiện trên, quá trình trồng và chăm sóc lan Cattleya sẽ đơn giản và hiệu quả hơn. Nếu cần được tư vấn về các kỹ thuật trồng lan Cattleya hay lan Hồ Điệp, có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.

Lê Trinh