Kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan hồ điệp
Ngày đăng: 01/03/2019, 08:32
Hồ điệp hiện đang là một trong những giống lan chủ lực mang lại nguồn thu lớn trên thị trường thế giới. Đây cũng chính là loại lan được nhiều người chơi cây cảnh ưa chuộng số 1. Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ cùng bạn kinh nghiệm trồng và chăm sóc giống lan này.
1. Chuẩn bị các điều kiện sản xuất
*Vườn trồng: cần đảm bảo tối thiểu các yêu cầu như sau:
+Vườn cho cây con phải được thiết kế kiểu chữ A hoặc mái vòm với chiều cao từ 4 – 5m.
+Thoáng mát
+Kín gió
+Có lưới che mưa, che nắng loại 2 lớp, lớp dưới có thể di chuyển để điều chỉnh ánh sáng khi cần.
+Nhiệt độ luôn ổn định, không được cao hơn nhiệt độ bên ngoài
+Tạo dàn bằng tre, gỗ hoặc sắt, phải chắc chắn, cách mặt đất khoảng cách 70 – 80 cm, luống rộng 1.2 – 1.6m (tùy điều kiện chăm sóc)
+Tại những địa phương có khí hậu không phù hợp để cây ra hoa thì phải có nhà lạnh nếu không thể di chuyển lan tới vùng khác.
*Giá thể:
+Nên dùng dớn mềm đã được xử lý kỹ nấm, bệnh, đảm bảo độ tơi xốp, thoáng khí và có khả năng giữ nước tốt.
*Chậu trồng:
+Chọn chậu không sâu, nhỏ, màu trắng.
+Tùy từng giai đoạn phát triển của cây mà sử dụng chậu có đường kính phù hợp: cây con: chậu đường kính 5cm, sau 4 – 6 tháng: chậu đường kính 8.3cm, 9 – 12 tháng: chậu đường kính 12cm.
2. Cách trồng cây con
Nhẹ nhàng lấy con từ trong chai ra, rửa sạch cho tới khi rễ không còn nhớt, loại bỏ các rễ, lá bị hư, thối rồi xếp lên khay để ráo nước. Lưu ý là không để quá khô vì sẽ làm cây mất sức.
Cây đã ráo nước thì mang đi trồng ngay vào chậu nhựa trong với giá thể được chuẩn bị trước đó. Giá thể đem tưới phun sương cho ướt đều, sau đó vắt cho ráo nước.
Lót 1 lớp xốp hoặc than củi mỏng (từ 0,5-1,5 cm) dưới đáy chậu, tiếp đến bỏ dớn vào và đặt cây lên, bó đều quanh gốc, không bó quá chặt hoặc quá lỏng. 3 – 5 giờ sau thì phun thuốc trừ nấm và vi khuẩn với nồng độ bằng ½ nồng độ khuyến cáo, định kỳ 3 ngày/lần.
3. Chăm sóc
Cần duy trì nhiệt độ trong vườn ươm ở mức 23 – 28 độ C, độ ẩm từ 70 – 80%, đảm bảo hệ thống thông gió hoạt động tốt, ánh sáng che từ 50 – 70 %, ngăn mưa tuyệt đối.
* Bón phân: 1 tháng đầu sau khi trồng chỉ nên bón phân bằng 1/3 so với liều lượng khuyến cáo khoảng 3 ngày/lần.
Sau 1 tháng thì bón phân vô cơ có hàm lượng đạm cao (NPK 30-10-10, phân cá Fish Emulsion 5-1-1), pha với nước và phun sương 2 lần/tuần, liều lượng bằng ½ liều khuyến cáo trong 4 tháng đầu. Sau giai đoạn này thì phun theo khuyến cáo và xen kẽ giữa 3 định kỳ thì có 1 định kỳ phun phân hữu cơ và 1 định kỳ phun B1.
Khoảng 15 tháng sau, khi cây đã có 4 lá trở lên cũng là lúc chuẩn bị ra hoa. Lúc này cần tăng hàm lượng lân và kali để đảm bảo chất lượng hoa, đồng thời duy trì nhiệt độ từ 18-250C hoặc nhiệt độ chênh lệch ngày đêm từ 8-100C. Lan hồ điệp ra hoa phụ thuộc vào nhiệt độ nên nếu nhiệt độ thấp càng kéo dài thì hoa càng nhiều và sai.
Hồ điệp sẽ không thể phân hóa hoa nếu nhiệt độ trên 25 độ C và không ra hoa, ra nụ nếu dưới 15 độ C. Do đó nếu không thể đảm bảo được nhiệt độ thích hợp thì cần đưa cây đi xử lý trong môi trường nhiệt độ lý tưởng để kích hoa. Trước khi đưa đi xử lý 10 ngày phải tưới phân NPK 6-30-30 pha nồng độ 1g/lít nước, thời gian phun 7-10 ngày/lần.
*Tưới nước: việc tưới nước phải dựa trên độ ẩm của giá thể. Mỗi ngày chỉ cần phun sương nhẹ 2 lần vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều. Khi tưới không được để nước đọng lại trên lá.
*Phòng trừ sâu bệnh: mỗi 7 ngày cần phun thuốc trừ nấm và vi khuẩn cho cây với liều lượng bằng ½ liều khuyến cáo trong tháng đầu. Sau đó phun theo khuyến cáo. Thường xuyên quan sát cây để phát hiện và ngăn ngừa, chữa trị kịp thời các hiện tượng sâu bệnh.
ĐT
Bài khác
- Các chăm sóc lan hồ điệp đúng kỹ thuật
- Cập nhật giá lan hồ điệp
- Cách kích lan hồ điệp ra hoa đúng dịp
- Bí quyết chăm sóc lan Hồ Điệp trong chậu
- Kỹ thuật trồng lan hồ điệp
- Điều kiện trồng và chăm sóc lan Cattleya
- Chăm sóc lan Cattleya ghép gốc
- Cách trồng lan hồ điệp đúng kỹ thuật
- Kinh nghiệm trồng lan cattleya
- Mô hình kinh doanh lan rừng hấp dẫn