Mô hình kinh doanh lan rừng hấp dẫn
Ngày đăng: 09/05/2019, 01:38
Những năm gần đây, mô hình kinh doanh lan rừng hấp dẫn không chỉ với những ai yêu lan, mà còn là câu chuyện khơi nguồn cảm hứng cho những thanh niên trẻ khởi nghiệp. Cùng chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây để lắng nghe hành trình thực hiện đam mê và những kinh nghiệm mà họ chia sẻ.
1. Những tỷ phú trẻ trong giới hoa lan
- Những ngày cận tết Nguyên Đán, lượt người đến chiêm ngưỡng và mua hoa ở vườn lan nhà chị Vũ Thị Hằng (xa lộ Hà Nội, Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh) tăng mạnh. Chị chia sẻ mỗi ngày thu được vào chục triệu đồng từ việc bán khoảng 60 – 80 chậu địa lan. Năm nay giá hoa lan cũng không có sự chênh lệch lớn so với mọi năm. Chị Hằng vui vẻ cho biết, thời tiết thuận lợi, chắc chắn năm nay hoa sẽ nở đúng dịp tết, số lượng lan đảm bảo cung ứng cho khách hàng nên không xảy ra tình trạng khan hiếm, cao giá như mọi năm.
(Vườn địa lan nhộn nhịp khách hàng vào dịp tết)
- Bên cạnh những chủ vườn giàu kinh nghiệm, giới chơi lan cũng được biết đến những cái tên trẻ tuổi, đầy đam mê và nhiệt huyết. Trong đó, anh Phùng Văn Hùng (sinh 1992) là một ví dụ điển hình. Hiện anh là chủ vườn lan rừng số 225, Phạm Văn Đồng, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum.
Vườn lan với hơn 3 ngàn giò hoa lớn nhỏ, thuộc hơn 60 giống lan rừng quý hiếm như trúc phật bà, giả hạc, trầm, kèn, trúc mành Kon Tum, thủy tiên dẹt, hoàng lan… là thành quả của 3 năm mày mò, tìm hiểu kiến thức trồng và chăm sóc lan. Anh Hùng cho biết, lượng khách của anh được duy trì ổn định qua các kênh mạng xã hội như Facebook và trang Web.
- Câu chuyện khởi nghiệp của anh Nguyễn Phương Đông (thôn Tân Tiến, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cũng đầy trắc trở và không thể ngờ đến. Anh tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Thương tại Tp. Hồ Chí Minh và tìm được một công việc lương cao. Tuy nhiên sau một vụ tai nạn, anh rời thành phố, về lại quê hương và bắt đầu bén duyên với lan rừng.
Sau hơn 3 năm tự tìm hiểu, học hỏi trên internet và bạn bè, cầm sổ đỏ để đầu tư khởi nghiệp, hiện nay anh đã sở hữu 2 vườn lan với các giống cao cấp như lan Cattleya, lan Giả Hạc Di Linh Xuân, Giả Hạc Di Linh đột biến trắng… ở vườn thứ 1 nhất, mỗi giò lan có giá lên đến 50 triệu đồng. Ở khu vực thứ 2 chủ yếu trưng bày các giống bình dân như: lan hồ điệp, lan tu, thủy tiên, da báo, tai trâu…
Doanh thu mỗi năm thu về từ vườn lan khoảng 1,8 tỷ đồng, sau khi trừ hết các chi phí còn lãi gần 600 triệu. Chưa dừng lại ở đó, hằng ngày anh vẫn tiếp tục nghiên cứu lao tạo những giống lan quý để đáp ứng nhu cầu chơi lan rừng của những khách hàng phân khúc bình dân.
Anh Đông cho biết “Hiện nay nhiều loại lan rừng phải nhập từ Lào và Campuchia về nên giá bán rất cao, người chơi bình dân khó tiếp cận được. Mình tự nhân giống, chắc chắn giá sẽ rẻ hơn”
2. Hoa không phụ người
Để chăm sóc những chậu lan vườn đã khó, việc trồng và chăm sóc lan rừng lại càng đòi hỏi người chăm phải bỏ nhiều thời gian và tâm huyết. Đó là lý do vì sao những giò lan rừng có giá gấp vài chục lần lan bình thường.
- Anh Trịnh Văn Sỹ là một trong những người thành công với việc trồng và nhân giống lan rừng. Anh cho biết, ban đầu phải đầu tư khoảng 500 triệu cho cơ sở vật chất vườn, 200 triệu mua các giống cây. Hiện nay anh được nhiều người gọi vui là tỷ phú vườn lan với diện tích khu vườn rộng hơn 1.800 mét vuông, có gần 200 giống lan rừng quý hiếm, mỗi năm thu về từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.
- Trần Quốc Việt – chủ vườn lan rừng ở huyện An Lão, Bình Định cho biết, hiện nay một số giống lan rừng gần như không thể tìm thấy trong rừng An Lão, do đó dù được khách ngã giá cao nhưng anh vẫn không bán, mục đích giữ lại để bảo vệ nguồn gen quý và mày mò phương pháp nhân giống. Từ đam mê chơi lan, anh phát triển mô hình kinh doanh này trên các kênh mạng internet, khách hàng có thể đến vườn để chọn trực tiếp hoặc đặt mua online một cách dễ dàng. Anh cũng không ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình trên các trang tương tác cộng đồng với những người cùng đam mê. Không chỉ vậy, anh còn thường xuyên có mặt tại các bản làng, cùng các thợ rừng người H’rê, Ba Na xuyên rừng để săn lan, với hy vọng tìm gặp các giống mới bổ sung cho vườn nhà mình.
(Một giống lan rừng mọc tự nhiên)
“Tuy nhiên, lan rừng của tự nhiên thì nên để nó ở trong tự nhiên. Bởi chỉ ở giữa nơi mà nó sinh ra, lan rừng mới rực rỡ và phô bày mọi nét đẹp của chúng. Và để thay thế lan rừng hái trong tự nhiên, giải pháp nuôi cấy mô lan rừng cần được ứng dụng rộng rãi.” Ông Nguyễn Văn Trúc – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hưng Yên chia sẻ khi phong trào chơi lan ngày càng rộng rãi hiện nay.
Không chỉ là sự yêu thích, đến khi thật sự đam mê hoa lan, nhất là những giống lan rừng bạn mới thật sự hiểu hết giá trị của nó. Như vậy có thể hiểu vì sao những người chơi lan không quản ngại khó khăn để tìm kiếm, bảo vệ và nhân giống lan rừng.
Kiều Châu
Bài khác
- Các chăm sóc lan hồ điệp đúng kỹ thuật
- Cập nhật giá lan hồ điệp
- Cách kích lan hồ điệp ra hoa đúng dịp
- Bí quyết chăm sóc lan Hồ Điệp trong chậu
- Kỹ thuật trồng lan hồ điệp
- Điều kiện trồng và chăm sóc lan Cattleya
- Chăm sóc lan Cattleya ghép gốc
- Cách trồng lan hồ điệp đúng kỹ thuật
- Kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan hồ điệp
- Kinh nghiệm trồng lan cattleya