Cách trồng mồng tơi đơn giản bằng thùng xốp
Ngày đăng: 26/03/2020, 04:47
Trồng mồng tơi không khó. Bạn có thể tận dụng khoảng đất trống bên ngoài hiên nhà, trên sân thượng và một vài thùng xốp là đã có thể có được vườn mồng tơi xanh tốt phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.
1. Đôi điều về rau mồng tơi
Mồng tơi là một loại rau xanh dân dã, phổ biến ở các miền nhờ kỹ thuật trồng rất dễ, không tốn nhiều công chăm sóc, cũng dễ tìm mua hạt giống. Không cần phải tốn quá nhiều thời gian chăm sóc mà bạn vẫn có thể sở hữu được một vườn rau mồng tơi ăn quanh năm.
Điều quan trọng hơn cả là bạn sẽ có được vườn rau mồng tơi tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh, không lo có thuốc kích thích như rau mua ngoài chợ. Vào những ngày hè oi ả, được ăn một tô canh mồng tơi sẽ giúp giải nhiệt, chống táo bón, giải độc cho gan tuyệt vời.
2. Kỹ thuật trồng rau mồng tơi
+ Chuẩn bị dụng cụ
Ở nông thôn, mọi người có thể trồng mồng tơi ở ngoài nắng, làm giàn cho cây mồng tơi leo nhanh hơn. Còn ở đô thị mồng tơi thường hay được trồng ở trong chậu hay khay xốp. Chỉ cần quan tâm đến một số kỹ thuật trồng cơ bản là người dân có thể tự trồng rau mồng tơi tươi ngon như ý.
Bạn nên chuẩn bị chậu hay khay xốp, rổ nhựa có miệng càng rộng càng tốt, đáy sâu khoảng từ 12 đến 15cm. Những vật khác bao gồm đất trồng rau nếu áp dụng phương pháp trồng rau hữu cơ, đất sạch nếu trồng rau theo phương pháp an toàn, hạt giống rau mồng tơi, một ít đất dinh dưỡng, hủ phân ure.
+ Gieo hạt và tưới nước
Nếu trồng mồng tơi trong khay hay chậu bạn cần phải cho đất trồng rau vào khay một lớp khoảng tầm 8cm. Rải hạt giống khoảng 10gr cho một khay xốp. Sau khi rải đều mặt khay thì phủ lên trên bề mặt một lớp đất mỏng khoảng 0.5cm. Tiếp đó, tưới nước bằng vòi phun nhẹ để đất đủ ẩm. Mỗi ngày tưới 2 lần, thời gian khoảng từ 5 đến 7 ngày là hạt sẽ nảy mầm.
Đối với người trồng đất cho leo giàn thì chỉ cần rải 15 đến 20 hạt thành một hàng và lấp đất lại, tưới nước ngày 2 lần. Chú ý kiểm tra xem có côn trùng và ốc không, tránh tình trạng chúng ăn hạt và lá non. Khi cây cao tầm 20cm thì bà con cũng nên làm giàn hay cắm cây để rau mồng tơi leo lên giàn.
Mồng tơi có khả năng trồng ở nơi nhiều nắng hay nắng một buổi. Bạn không nên trồng ở nơi bị nắng che hết vì như vậy cây sẽ cao, thân ốm, lá nhỏ. Vào mùa mưa, người trồng không nên tưới quá nhiều nước vì sẽ làm cây dễ bị bị úng. Mùa nắng cần tưới 2 lần một ngày để cây luôn được cung cấp đầy đủ độ ẩm.
+ Bón phân và thu hoạch
Nếu trồng rau trong chậu hay khay xốp thì lúc cây được 3 đến 4 lá phải tỉa bớt để ăn. Mục đích của việc tỉa lá là để giữ lại cây rau theo hàng, khoảng cách cây lớn thêm mà không bị cạnh tranh dinh dưỡng cũng như ánh sáng.
Tỉa thưa được một lần bạn hãy bón thúc cho cây một lớp đất dinh dưỡng là phân trùn quế từ 2 đến 3cm để tránh rau bị vàng lá. Người trồng cây cũng nên pha thêm một muỗng cà phê nhỏ phân ure với 1 lít nước tưới cho rau lúc chiều để lá mau nở to và xanh hơn.
Sau 25 đến 30 ngày khi mồng tơi cao được tầm 35 đến 40cm thì người trồng cây có thể cắt lá để dùng. Khi cắt bạn nên nhớ dùng dao bén và sạch cắt ngang thân, để lại một đoạn cách đất từ 7 đến 10cm để rau mồng tơi cho tiếp lá kỳ sau. Mỗi khi thu hoạch xong cây cần được bón thêm lớp đất dinh dưỡng và tưới thêm nước phân ure như lần đầu.
Riêng đối với rau mồng tơi trồng gian dưới đất thì người trồng phải đợi rau bò ra nhiều nhánh, nhiều lá mới tiến hành cắt lá và đọt non. Để rau xanh tốt hơn định kỳ hàng tháng bạn cũng nên bón thêm cho đất các chất dinh dưỡng.
+ Phòng trừ sâu bệnh
Khi gặp trời mưa kéo dài bạn cần phải tránh để cho nước mưa rơi trực tiếp vào lá. Bởi nếu vậy lá sẽ bị dập, thối nhũn hay vàng lá. Trong quá trình trồng cây người dân cũng nên vun đất cao thành ụ để gốc cây không bị đọng nước vào mùa mưa.
Không giống với trồng rau kinh doanh, mục đích trồng rau tại nhà là để cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình, vậy nên không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Người trồng rau phải thường xuyên bắt sâu, ngắt bỏ lá vàng, lá bệnh để cây phát triển tốt.
ĐT