Có thể nhận biết nhóm máu của bản thân khi xét nghiệm ADN không?

Xét nghiệm ADN là công cụ hữu hiệu để xác định mối quan hệ huyết thống, nhưng nó không cung cấp thông tin về nhóm máu của người được xét nghiệm. Để biết được nhóm máu thông qua ADN, cần thực hiện giải trình tự gen toàn bộ cơ thể.

1. Có thể nhận biết nhóm máu của bản thân khi xét nghiệm ADN không?

Xét nghiệm ADN huyết thống thường không cung cấp thông tin chính xác về nhóm máu. Các phương pháp xét nghiệm ADN như kiểm tra cha con, mẹ con, hay họ hàng chỉ tập trung vào những phần ADN liên quan đến mối quan hệ huyết thống, mà không xét toàn bộ mã di truyền của người được kiểm tra.

Vì vậy, xét nghiệm ADN huyết thống không thể đưa ra kết luận chính xác về nhóm máu hoặc nếu có, cũng chỉ là dự đoán tham khảo, không đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.

2. Phương pháp có thể xác định chính xác nhóm máu là gì?

Để biết chính xác nhóm máu, phương pháp đơn giản và nhanh chóng nhất là thực hiện xét nghiệm máu. Đây là phương pháp hiệu quả, chi phí thấp và độ chính xác cao.

Trong trường hợp cần thông tin nhóm máu từ xét nghiệm ADN, chỉ có phương pháp giải trình tự toàn bộ mã gen mới có thể cung cấp dữ liệu về nhóm máu, cũng như các thông tin di truyền khác. Tuy nhiên, chi phí của việc giải trình tự gen toàn bộ rất cao, vì thế đây không phải là lựa chọn phổ biến khi chỉ cần biết nhóm máu.


3. Các ứng dụng của phương pháp xét nghiệm ADN hiện nay

Xét nghiệm ADN không chỉ dùng trong việc xác định huyết thống mà còn phục vụ nhiều mục đích khoa học khác, từ kiểm tra huyết thống thai nhi đến sàng lọc nguy cơ di truyền ở thai nhi.

3.1. Xác định quan hệ cha/mẹ con ruột

Xét nghiệm ADN giúp xác định chính xác quan hệ huyết thống cha/mẹ con ruột, trong các trường hợp có nghi ngờ về huyết thống hoặc các tình huống pháp lý. Một số trường hợp thường gặp là:

- Xác định huyết thống khi nghi ngờ mối quan hệ cha con hoặc mẹ con ruột.

- Tìm lại cha mẹ ruột khi có nghi ngờ thất lạc, nhằm xác minh mối quan hệ huyết thống.

- Đảm bảo quan hệ huyết thống trong gia đình để tránh nhầm lẫn.

- Cung cấp bằng chứng cho các thủ tục pháp lý như đăng ký khai sinh, ly hôn, tranh chấp tài sản thừa kế hoặc bảo lãnh di dân.

- Kiểm tra huyết thống khi sử dụng phương pháp mang thai hộ hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

3.2. Xác định mối quan hệ họ hàng dòng nội/ngoại

Xét nghiệm ADN cũng có thể dùng để xác định các mối quan hệ họ hàng, bao gồm:

- Quan hệ anh em trai, chị em gái cùng cha, ông nội – cháu trai, bà nội – cháu gái.

- Quan hệ bên ngoại như bà ngoại – cháu, cậu – cháu, dì – cháu.


3.3. Xác định danh tính từ hài cốt

Phương pháp xét nghiệm ADN còn được ứng dụng để xác định danh tính từ hài cốt, bằng cách so sánh ADN của hài cốt với người thân cùng dòng họ mẹ. Điều này hữu ích trong trường hợp cần xác định danh tính từ các mẫu hài cốt còn sót lại, hỗ trợ công tác điều tra và tìm kiếm người thân thất lạc.

3.4. Xác định cha ruột của thai nhi

Hiện nay, công nghệ xét nghiệm ADN tiên tiến đã cho phép xác định cha đẻ của thai nhi từ tuần thứ 7 của thai kỳ với độ chính xác lên tới 99,99%.

Cơ sở khoa học cho phương pháp này là trong tuần thứ 7, máu người mẹ bắt đầu chứa các mảnh ADN của thai nhi do trao đổi chất. Các nhà khoa học sẽ phân tích, so sánh ADN này với ADN của người đàn ông nghi ngờ để xác minh huyết thống. Phương pháp này không xâm lấn, chỉ cần lấy mẫu máu tĩnh mạch của người mẹ. Ngoài ra, còn có phương pháp xét nghiệm ADN thai nhi thông qua chọc ối từ tuần thứ 15-22 của thai kỳ.

3.5. Sàng lọc các nguy cơ bất thường liên quan đến nhiễm sắc thể của thai nhi

Xét nghiệm ADN cũng được ứng dụng để phát hiện các bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi, giúp xác định nguy cơ mắc các hội chứng như:

- Hội chứng Down (Trisomy 21), Patau (Trisomy 13), Edwards (Trisomy 18).

- Hội chứng bất thường nhiễm sắc thể giới tính như Turner (XO), Klinefelter (XXY).

- Các hội chứng do mất đoạn nhiễm sắc thể như DiGeorge, Angelman, Prader Willi.

- Các bệnh gen lặn phổ biến, chẳng hạn như Thalassemia (tan máu bẩm sinh).

4. Lời kết

Xét nghiệm ADN mang lại nhiều lợi ích trong việc xác định huyết thống và sàng lọc nguy cơ di truyền. Tuy nhiên, để biết chính xác nhóm máu, phương pháp xét nghiệm máu trực tiếp vẫn là lựa chọn tối ưu, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.

Thùy Duyên