Kết quả xét nghiệm ADN có giá trị trong bao lâu?

Kết quả xét nghiệm ADN là một công cụ quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ pháp y đến xác định huyết thống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn thắc mắc về thời gian mà phiếu kết quả này có giá trị pháp lý và khoa học. Vì vậy, bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi liên quan đến thời hạn của kết quả xét nghiệm ADN, hãy cùng tìm hiểu bạn nhé!

1. Kết quả xét nghiệm ADN có giá trị trong bao lâu?

Kết quả xét nghiệm ADN có giá trị vĩnh viễn nhờ vào những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hiện nay độ chính xác của xét nghiệm này có thể đạt tới 99,999999%.

Kết quả của một xét nghiệm ADN tự nguyện có giá trị lâu dài và không thay đổi đối với mẫu được xét nghiệm. Điều này có nghĩa là, nếu người mang mẫu A có hoặc không có quan hệ huyết thống với người mang mẫu B, kết quả này vẫn được duy trì mãi mãi.

Xét nghiệm ADN mang tính pháp lý còn được công nhận vĩnh viễn trước pháp luật, là bằng chứng hợp lệ trong các thủ tục hành chính tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Những thủ tục này bao gồm làm giấy khai sinh trong trường hợp đặc biệt, hoàn thiện hồ sơ bảo lãnh, di dân, nhập tịch cho trẻ hoặc làm bằng chứng trước Tòa để thừa kế, giành quyền nuôi con, cấp dưỡng,…


2. Vì sao kết quả xét nghiệm ADN lại có giá trị vĩnh viễn?

ADN của mỗi cá nhân là duy nhất và không biến đổi trong suốt cuộc đời. Từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, mã di truyền này không thay đổi. Vì ADN là yếu tố sinh học ổn định theo thời gian, xét nghiệm ADN trở thành phương pháp đáng tin cậy nhất để xác nhận quan hệ huyết thống.

3. Khi nào kết quả ADN có thể bị thay đổi?

Về mặt lý thuyết, ADN của mỗi người là không thay đổi, nhưng trên thực tế vẫn có những trường hợp đột biến hoặc biến đổi ADN xảy ra, có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm bị sai lệch.

3.1. Biến đổi ADN vĩnh viễn

3.1.1. Ghép tủy xương

Một số trường hợp hiếm hoi trong y khoa ghi nhận sự thay đổi ADN ở những bệnh nhân được ghép tủy xương từ người hiến. Đối với những người mắc bệnh bạch cầu cấp tính và phải ghép tủy, mã di truyền trong máu, nước bọt, tinh trùng,… có thể thay đổi theo ADN của người hiến tủy. Tuy nhiên, ADN trong gốc chân tóc của người nhận tủy vẫn giữ nguyên mã gốc.

Những trường hợp thay đổi ADN do ghép tủy này khá hiếm, và không phải mọi ca ghép tủy đều dẫn đến biến đổi mã di truyền. Do đó, khi tiến hành xét nghiệm huyết thống với những người đã từng ghép tủy, cần xét toàn bộ trình tự gen của cơ thể thay vì chỉ dựa vào các mẫu phổ biến như máu hay nước bọt.

3.1.2. Điều trị bằng tế bào gốc

Điều trị bằng tế bào gốc có thể gây ra những biến đổi trong mã di truyền ban đầu của người bệnh. Tế bào gốc khi được đưa vào cơ thể có thể tạo ra các đột biến ở một số vùng ADN, tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân. Với những ai đã từng trải qua liệu pháp tế bào gốc, cần thông báo với cơ sở xét nghiệm ADN để được tư vấn chuyên sâu, lựa chọn các phương pháp xét nghiệm phù hợp.

3.1.3. Phơi nhiễm phóng xạ

Những người làm việc hoặc sống trong môi trường có mức phóng xạ cao, như vùng quanh các nhà máy phóng xạ, khu vực có sự cố hạt nhân, bom nguyên tử,… có thể bị nhiễm phóng xạ với nhiều mức độ. Điều này gây ra những bất thường trong ADN. Do đó, khi thực hiện xét nghiệm ADN với người có phơi nhiễm phóng xạ, cần lưu ý yếu tố này để tránh sai lệch trong kết quả.


3.1.4. Đột biến tự nhiên và di truyền

ADN của con người có thể trải qua đột biến tự nhiên hoặc di truyền trong quá trình phát triển. Điều này có thể xảy ra khi tế bào phân chia và phát triển, làm xuất hiện các đột biến không mong muốn trong mã di truyền. Những đột biến này có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của xét nghiệm ADN trong một số trường hợp.

3.2. Thay đổi ADN tạm thời

Một số yếu tố có thể làm sai lệch tạm thời kết quả xét nghiệm ADN, như truyền máu hoặc sử dụng tế bào gốc trong liệu pháp làm đẹp. Tuy nhiên, những biến đổi này không ảnh hưởng đến ADN huyết thống, mà thường chỉ làm sai lệch tạm thời kết quả xét nghiệm đối với ADN của thai nhi hoặc xét nghiệm NIPT (xét nghiệm ADN không xâm lấn).

4. Tổng kết

Như vậy, kết quả xét nghiệm ADN có giá trị vĩnh viễn. Dù là xét nghiệm tự nguyện hay xét nghiệm pháp lý, kết quả đều có tính ổn định lâu dài: xét nghiệm tự nguyện có giá trị vĩnh viễn trên mẫu xét nghiệm đã thu, còn xét nghiệm pháp lý được công nhận vĩnh viễn trước pháp luật.

Thùy Duyên