Kết quả xét nghiệm ADN tự nguyện có được tòa án chấp nhận không?

Xét nghiệm ADN tự nguyện có được tòa án chấp nhận không? Câu trả lời là không. Kết quả của loại hình này không có giá trị pháp lý và không thể dùng làm bằng chứng trong các vụ việc tại tòa án. Vậy, nếu muốn sử dụng kết quả xét nghiệm ADN làm bằng chứng hợp pháp, bạn cần thực hiện theo hình thức nào?

1. Xét nghiệm ADN tự nguyện có được dùng làm bằng chứng tại tòa không? Tại sao?

Kết quả xét nghiệm ADN tự nguyện không được công nhận về mặt pháp lý, do đó không thể sử dụng làm bằng chứng trước tòa.

1.1. Không xác minh danh tính người tham gia xét nghiệm

Quá trình xét nghiệm ADN tự nguyện không yêu cầu xác thực danh tính người tham gia. Các mẫu có thể được thu thập một cách bí mật mà không cần giấy tờ tùy thân hay chứng minh nhân dân. Người xét nghiệm có thể sử dụng biệt danh, tên giả hoặc ký hiệu bất kỳ trên kết quả.

Do thiếu các thông tin nhận dạng chính xác, kết quả xét nghiệm ADN tự nguyện không đáp ứng được yêu cầu về tính minh bạch, xác thực mà tòa án hay các cơ quan pháp luật đặt ra khi xem xét bằng chứng.

2.2. Kết quả chỉ đảm bảo trên mẫu, không đảm bảo danh tính

Xét nghiệm ADN tự nguyện chỉ đảm bảo tính chính xác trên mẫu được gửi đến trung tâm, nhưng không xác nhận rằng mẫu đó thực sự thuộc về ai. Chẳng hạn, kết quả chỉ cho thấy mẫu ADN ký hiệu A có quan hệ huyết thống với mẫu ký hiệu B hay không, nhưng không thể chứng minh danh tính thực sự của A và B.

Do đó, dù kết quả xét nghiệm ADN tự nguyện có độ chính xác cao đến 99,999999%, nhưng vì không đi kèm với việc xác minh danh tính rõ ràng, nó không có giá trị làm bằng chứng trước pháp luật.


2. Muốn xét nghiệm ADN có giá trị pháp lý cần thực hiện như thế nào?

Để kết quả xét nghiệm ADN có thể sử dụng làm bằng chứng trước tòa hoặc trong các thủ tục hành chính, bạn cần thực hiện xét nghiệm ADN pháp lý.

Xét nghiệm ADN pháp lý là hình thức xét nghiệm phục vụ cho mục đích pháp luật như giải quyết tranh chấp dân sự, điều tra hình sự hoặc thực hiện các thủ tục hành chính như khai sinh, nhập cư, bảo lãnh thân nhân hay phân chia tài sản thừa kế.

Những trường hợp cần xét nghiệm ADN pháp lý bao gồm:

- Làm giấy khai sinh cho con trong các tình huống đặc biệt.

- Hồ sơ bảo lãnh định cư hoặc nhập quốc tịch nước ngoài.

- Giải quyết tranh chấp tài sản, quyền nuôi con sau ly hôn.

- Phục vụ công tác điều tra các vụ án hình sự.


3. Tại sao chỉ xét nghiệm ADN pháp lý mới được sử dụng trước tòa?

Chỉ xét nghiệm ADN pháp lý mới đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để được công nhận trong các thủ tục pháp lý, bởi quy trình thực hiện nghiêm ngặt và minh bạch:

- Xác minh danh tính rõ ràng: Người tham gia xét nghiệm phải cung cấp giấy tờ tùy thân hợp lệ, chụp ảnh và lấy dấu vân tay tại thời điểm thu mẫu. Điều này giúp đảm bảo mẫu ADN thực sự thuộc về đúng người.

- Quy trình thu mẫu chặt chẽ: Mẫu ADN phải được thu trực tiếp bởi chuyên viên xét nghiệm được chứng nhận, thực hiện tại trung tâm hoặc các cơ sở được cấp phép.

- Cam kết pháp lý từ trung tâm xét nghiệm: Trung tâm thực hiện xét nghiệm chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả, đảm bảo tính chính xác và minh bạch, đủ điều kiện sử dụng trong các vụ việc tại tòa hoặc các cơ quan hành chính.

Nhờ những tiêu chuẩn này, xét nghiệm ADN pháp lý được các tòa án và cơ quan chức năng công nhận, như một bằng chứng hợp pháp trong các vụ việc tranh chấp hoặc điều tra.

4. Lời kết

Xét nghiệm ADN tự nguyện chỉ phục vụ cho nhu cầu cá nhân và không có giá trị pháp lý. Vì quy trình xét nghiệm không yêu cầu xác minh danh tính và bảo mật thông tin khách hàng tuyệt đối, kết quả không thể dùng làm bằng chứng trước tòa hay trong các thủ tục hành chính.

Nếu cần sử dụng kết quả xét nghiệm ADN để giải quyết tranh chấp dân sự, chứng minh mối quan hệ huyết thống trong các vụ án hình sự hoặc thực hiện các thủ tục pháp lý như khai sinh, nhập cư, bảo lãnh thân nhân,… cần thực hiện xét nghiệm ADN pháp lý. Kết quả phải được đảm bảo bởi quy trình thu mẫu minh bạch, xác minh danh tính đầy đủ và do trung tâm xét nghiệm chịu trách nhiệm pháp lý.

Thùy Duyên