Xét nghiệm ADN bằng mẫu tóc có đảm bảo độ chính xác không?

Xét nghiệm ADN là giải pháp hữu ích trong việc xác định mối quan hệ huyết thống giữa các cá nhân. Trong các loại mẫu sinh phẩm có thể sử dụng, thử ADN bằng mẫu tóc được nhiều người ưa chuộng hơn cả. Tuy nhiên, độ chính xác, quy trình thực hiện và cách thu thập mẫu vẫn là những câu hỏi rất được quan tâm, tìm hiểu.

1. Xét nghiệm ADN bằng tóc là gì?

Xét nghiệm ADN bằng tóc là quá trình phân tích ADN có trong các tế bào từ nang tóc, để xác định mối quan hệ huyết thống giữa hai hoặc nhiều cá nhân. Phương pháp này dựa trên việc thu thập và phân tích các sợi tóc có chứa nang tóc, nơi lưu trữ vật liệu di truyền quan trọng.

Tóc gồm hai phần chính là phần thân tóc (phần nổi trên da đầu), và phần gốc tóc (phần nằm dưới da đầu, được bao bọc bởi nang tóc). Trong đó, chỉ phần gốc có chứa các tế bào chứa ADN, còn thân tóc không có giá trị trong việc phân tích ADN. Vì vậy, khi lấy mẫu tóc để xét nghiệm, điều quan trọng là phải thu thập được phần gốc tóc kèm nang tóc.

So với các loại mẫu khác như máu hay móng tay, mẫu tóc dễ dàng thu thập hơn và có thể bảo quản trong điều kiện thường lên đến 3-6 tháng, mà không làm ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả.


2. Khi nào nên thực hiện xét nghiệm ADN bằng tóc?

Phương pháp xét nghiệm ADN bằng tóc thường được sử dụng trong những tình huống đặc biệt, khi việc thu thập mẫu trực tiếp từ người cần xét nghiệm gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện tại trung tâm xét nghiệm. Một số trường hợp phổ biến có thể kể đến như:

- Xét nghiệm huyết thống cha con: Dùng để kiểm tra mối quan hệ huyết thống giữa hai cá nhân khi không thể lấy mẫu máu trực tiếp.

- Xét nghiệm pháp y: Mẫu tóc thường được thu thập tại hiện trường để xác minh sự hiện diện của một người liên quan đến vụ án.

- Phân tích nhiễm độc: Mẫu tóc có thể được sử dụng để phát hiện sự tồn tại của các kim loại nặng như chì, thủy ngân hoặc asen trong cơ thể.

- Kiểm tra chất kích thích: Phân tích mẫu tóc gần gốc có thể cung cấp thông tin về việc sử dụng thuốc hoặc chất gây nghiện trong vòng 3 tháng trước đó.


3. Xét nghiệm ADN bằng mẫu tóc có đảm bảo độ chính xác không?

Độ chính xác của xét nghiệm ADN bằng tóc phụ thuộc vào việc thu thập mẫu có đúng kỹ thuật hay không. Để đảm bảo kết quả chính xác, cần phải lấy ít nhất từ 6 đến 10 sợi tóc có nang chân tóc còn nguyên vẹn. Nang tóc chứa ADN, vì vậy chỉ những sợi tóc được nhổ ra kèm theo nang tóc mới phù hợp để phân tích. Tóc cắt hoặc tóc rơi rụng không đảm bảo chứa nang tóc và không thể sử dụng để xét nghiệm.

Dù xét nghiệm ADN bằng tóc có thể cho kết quả chính xác cao, nhưng đây không phải là phương pháp tối ưu. Lấy mẫu máu vẫn là lựa chọn phổ biến hơn vì dễ thực hiện và chi phí thấp hơn. Ngoài ra, xét nghiệm ADN bằng tóc thường tốn kém hơn và thời gian trả kết quả kéo dài hơn. Với trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh, việc thu thập mẫu tóc có thể gặp khó khăn, đặc biệt là khi tóc của trẻ quá mỏng hoặc dễ gãy.

4. Quy trình các bước xét nghiệm ADN bằng mẫu tóc ra sao?

Để thực hiện xét nghiệm ADN bằng tóc, mẫu tóc cần được thu thập và gửi đến phòng thí nghiệm chuyên dụng. Mẫu tóc thường được lấy từ vùng da đầu phía sau hoặc từ vùng cổ.

Quy trình thu thập mẫu tóc thường bao gồm các bước như sau:

- Bước 1: Chuẩn bị phong bì hoặc túi đựng mẫu sạch, ghi rõ thông tin cá nhân của người cung cấp mẫu tóc ở ngoài bao bì.

- Bước 2: Nhổ từ 6 đến 10 sợi tóc, đảm bảo rằng tóc nhổ ra có kèm theo phần gốc và nang tóc. Độ dài sợi tóc lý tưởng khoảng 2,5 – 4 cm. Lưu ý không dùng tóc đã cắt hoặc tóc rụng tự nhiên vì những mẫu này không đảm bảo chứa nang tóc.

- Bước 3: Đặt mẫu tóc vào một tờ giấy sạch, gói lại cẩn thận và bỏ vào phong bì riêng, có ghi thông tin người gửi mẫu. Sau đó, gửi mẫu sinh phẩm này đến phòng xét nghiệm để tiến hành phân tích ADN.

Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình, cũng như độ chính xác của xét nghiệm ADN bằng tóc. Đây là một công cụ hữu ích trong việc xác định mối quan hệ huyết thống, tuy nhiên cần được sử dụng cẩn trọng và có sự tư vấn kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Thùy Duyên